Công đoàn Phòng giáo dục vào đào tạo A đạt giải Nhất toàn quốc cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2021
Quang cảnh Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi cấp quốc gia- Ảnh chụp từ Clip
Mục đích của cuộc thi là nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường cùng toàn xã hội về các tấm gương thầy giáo, cô giáo có những sáng tạo trong đổi mới dạy và học, có tác động và ảnh hưởng tích cực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho học sinh, qua đó tuyên truyền, tôn vinh và nhân rộng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Sau 4 tháng phát động, đã có 37 tác phẩm của 32 CĐCS trực thuộc tham gia dự thi, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã tổ chức chấm trao 30 giải chính thức và 03 giải phụ; đồng thời, chọn 10 tác phẩm xuất sắc nhất gửi dự thi vòng toàn quốc. Các tác phẩm đạt chất lượng cũng được đăng tải tuyên truyền trên kênh Youtube của Công đoàn ngành Giáo dục Tỉnh nhân dịp chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Các tác phẩm dự thi của CĐCS được tuyên truyền trên Kênh Youtube CĐN - Ảnh chụp từ Kênh Youtube CĐGD tỉnh Đồng Tháp
Tác phẩm dự thi là những Video clip có thời gian tối đa 5 phút, ghi lại những khoảng khắc chân thật về hình ảnh thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng tốt đẹp, truyền cảm hứng, tác động tích cực đến việc tu dưỡng, rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống của học sinh và đồng nghiệp; hoặc những câu chuyện, việc làm, nét đẹp trong văn hóa ứng xử học đường của thầy, cô giáo đối với học sinh trong hoạt động dạy học thường ngày… thể hiện sự gương mẫu, tận tụy “hết lòng vì học sinh thân yêu”, góp phần truyền cảm hứng, cảm hóa, thay đổi học sinh, hướng tới trường học, lớp học hạnh phúc. Với tinh thần trách nhiệm, CĐCS đã chủ động phối hợp với chính quyền nhà trường triển khai cuộc thi, tích cực hướng dẫn học sinh tham gia, nhìn chung các Clip đều tuân thủ thể lệ ban hành, mỗi Clip là một câu chuyện, một đề tài được các tác giả khai thác hết sức sinh động về thầy, cô của mình qua nhiều hoạt động ý nghĩa, nhất là các hoạt động truyền cảm hứng, rèn luyện kỹ năng sống, dạy học trong thời gian phòng chống dịch COVID-19….; nhiều phóng sự vừa quay phim vừa bằng hình chụp xem rất cảm động vì biết chọn nhân vật rất tiêu biểu cho hình ảnh giáo viên biết vượt lên chính mình để làm tốt vai trò của một người thầy có tâm, trở thành điển hình; qua các Clip có nhiều thông điệp lan toả, gửi gắm tình cảm yêu thương dành cho các em học sinh, … cách viết lời bình nhiều Clip có nội dung phù hợp, bám sát chủ đề, ví von và trích dẫn những triết lý sâu sắc thể hiện được những hành động ý nghĩa nhân văn của nhân vật…; nhiều giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm, biết nhấn nhá để thu hút người nghe, nhạc lồng có tiết tấu khá phù hợp với hình ảnh và giọng đọc làm sinh động hơn cho tác phẩm.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chúc mừng cuộc thi thành công - Ảnh chụp từ Clip
Ở vòng toàn quốc có 153 tác phẩm được chọn vào vòng chung kết từ 500 tác phẩm dự thi từ các trường Đại học, Cao đẳng, các CĐGD các tỉnh, thành phố. Kết quả Ban Tổ chức Cuộc thi cấp quốc gia đã trao 26 giải khuyến khích, 03 giải Ba, 02 giải Nhì và 02 giải Nhất. Đơn vị CĐGD tỉnh Đồng Tháp đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi với tác phẩm “Kí ức về thầy” của tác giả là Nhóm học sinh lớp 12 trường THPT Thiên Hộ Dương thực hiện về thầy Trần Văn Thịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường và giải Khuyến khích với tác phẩm “Người cho tôi niềm tin ở tương lai” của tác giả Trần Thị Mỹ Huyền, lớp KT 5.1 trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp thực hiện về thầy Lương Đức Tài, giáo viên của trường.
Tác phẩm “Kí ức về Thầy” của CĐCS trường THPT Thiên Hộ Dương tỉnh Đồng Tháp đạt giải Nhất toàn quốc
Tác phẩm “Người cho tôi niềm tin ở tương lai” của CĐCS trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp đạt giải Khuyến khích toàn quốc
Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2021 với chủ đề “Người truyền cảm hứng” thật sự mang lại ý nghĩa thiết thực, nhằm tôn vinh và nhân rộng trong ngành Giáo dục cùng toàn xã hội về những tấm gương thầy giáo, cô giáo đã và đang tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người; tích cực thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, nâng cao năng lực ứng xử văn hóa học đường và đạo đức nhà giáo. Đồng thời là dịp để học sinh thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy cô giáo mà mình yêu quý, trân trọng, cảm phục, góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xây dựng trường học hạnh phúc, qua đó cụ thể hóa chủ trương của ngành trong việc “Triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”./.